Pages

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

4 đặc sản miền Tây – ấm lòng khách phương xa

“Miền Tây gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn về”

(ca dao)

Đến với miền Tây sông nước, du khách không thể nào quên được vùng đất trù phú được thiên nhiên ưu ái với bao món đặc sản đã ăn là nhớ mãi cùng với con người miền Tây hào sảng, mến khách lạ thường.

1. Cá lóc nướng trui



Nhiều du khách khi đến miền Tây phải tìm ăn cho bằng được món cá lóc nướng trui trứ danh đã gắn liền với vùng đất trù phú này. Để được ăn cá lóc nướng đúng điệu, bạn hãy ghé qua các nhà vườn vừa tham quan thưởng thức tha hồ các loại quả phong phú do các gia đình nông dân miền Tây trồng lên với giá rất phải chăng, sau đó thì dưới sự hướng dẫn của chủ nhà, bạn sẽ xuống mương bắt cá.

Những con cá lóc bắt được, nặng chừng khoảng 4-5 lạng sẽ được dùng để nướng ngay tại chỗ. Bếp để nướng rất đơn giản và dân dã, chỉ gồm vài hòn gạch đặt cho cân. Cá lóc thì để nguyên vảy không cạo, dùng que tre vót nhọn xiên từng con cá một rồi đặt lên bếp nướng. Bếp ở đây được đun bằng rơm chứ không phải than. Bạn phải chú ý trở cá cho đều hai bên, nướng cho đến khi lớp vảy ngoài của cá cháy khét, vừa nướng vừa phết đều mỡ hành lên mình cá. Con cá đã nướng chín sẽ được đưa xuống cạo sạch lớp vảy cháy bên ngoài, để lộ ra ra cá vàng ươm thoang thoảng mùi rơm đốt. Bộ lòng cá sẽ được lấy ra trước và cho vào chén nước chấm đã pha đủ vị chua, cay, mặn, ngọt và thịt cá được bày ăn cùng rất nhiều loại ra sống đặc trưng ở đây. Đảm bảo món cá lóc nướng trui này có thể làm hài lòng bất cứ thực khách khó tính nào.

2. Lẩu cá linh bông điên điển


Khi mùa lũ về cũng là lúc xuất hiện loài cá linh đặc sản chỉ có ở miền Tây sông nước. Lúc này, những con cá chỉ nhỏ bằng đầu đũa, tươi rói, thịt mềm được làm sạch, moi bỏ hết ruột rồi để cho ráo nước. Nước dùng để làm lẩu cá linh khá đa dạng, tùy vào sở thích từng nhà, có thể là nước ninh xương hoặc nước ninh xương cá, rồi cho thêm chút nước dừa tươi để nước lẩu có vị ngọt thanh. Rau để ăn cùng với lẩu cá ngoài một số loại rau phổ biến ra thì không thể thiếu được  những bông điên điển vàng tươi mới được hái về mà nếu thiếu chúng thì món lẩu cá linh bông điên điển không còn đúng vị nữa.

3. Đuông dừa


Nếu bạn không ngại thử thách thì có thể tìm ăn món đuông dừa – một đặc sản của miền Tây. Đuông dừa ở đây là những con ấu trùng béo mập sinh sống trong các thân cây như dừa, cau. Để ăn món đuông dừa, bạn có thể yêu cầu đầu bếp chiên vàng lên, làm gỏi đuông dừa hay đơn giản nhất là ăn trực tiếp những con đuông đang được giầm trong bát nước mắm ớt. Đây là một món ăn khá bổ dưỡng chứa nhiều protein, vitamin A, B  có lợi cho sức khỏe.


4. Lẩu mắm


Là món lẩu đã được đưa vào thực đơn của khá nhiều nhà hàng dù bình dân hay sang trọng trên nhiều thành phố lớn của cả nước. Tuy nhiên,  bạn hãy thử ăn món lẩu mắm trứ danh này ngay tại chính quê hương của nó để cảm nhận được đầy đủ hương vị truyền thống của lẩu mắm. Nguyên liệu chủ yếu để làm món lẩu này thường là một con cá bông lao (hoặc cá hú), thịt ba chỉ, tôm, đậu bắp, mắm cá sặc. Lẩu mắm được ăn cùng rất nhiều loại rau đặc trưng của miền Tây như: rau muống, bắp chuối, rau nhút, ngói súng.

Đến miền Tây, các bạn đừng quên thử thưởng thức những món đặc sản trên để có thêm trải nghiệm và tự hào về nền ẩm thực phong phú của miền Tây nói riêng và của nước ta nói chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét