Pages

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Đuông tắm mắm. Bọ Cạp Hoàng Kim.

Đuông dừa tắm mắm


Bọ cạp hoàng kim


Nhìn có hấp dẫn không các bạn. Hãy đến và thưởng thức 1 lần nhé. Đảm bảo là sẽ nhớ mãi đấy. Hihi


Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

4 đặc sản miền Tây – ấm lòng khách phương xa

“Miền Tây gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn về”

(ca dao)

Đến với miền Tây sông nước, du khách không thể nào quên được vùng đất trù phú được thiên nhiên ưu ái với bao món đặc sản đã ăn là nhớ mãi cùng với con người miền Tây hào sảng, mến khách lạ thường.

1. Cá lóc nướng trui



Nhiều du khách khi đến miền Tây phải tìm ăn cho bằng được món cá lóc nướng trui trứ danh đã gắn liền với vùng đất trù phú này. Để được ăn cá lóc nướng đúng điệu, bạn hãy ghé qua các nhà vườn vừa tham quan thưởng thức tha hồ các loại quả phong phú do các gia đình nông dân miền Tây trồng lên với giá rất phải chăng, sau đó thì dưới sự hướng dẫn của chủ nhà, bạn sẽ xuống mương bắt cá.

Những con cá lóc bắt được, nặng chừng khoảng 4-5 lạng sẽ được dùng để nướng ngay tại chỗ. Bếp để nướng rất đơn giản và dân dã, chỉ gồm vài hòn gạch đặt cho cân. Cá lóc thì để nguyên vảy không cạo, dùng que tre vót nhọn xiên từng con cá một rồi đặt lên bếp nướng. Bếp ở đây được đun bằng rơm chứ không phải than. Bạn phải chú ý trở cá cho đều hai bên, nướng cho đến khi lớp vảy ngoài của cá cháy khét, vừa nướng vừa phết đều mỡ hành lên mình cá. Con cá đã nướng chín sẽ được đưa xuống cạo sạch lớp vảy cháy bên ngoài, để lộ ra ra cá vàng ươm thoang thoảng mùi rơm đốt. Bộ lòng cá sẽ được lấy ra trước và cho vào chén nước chấm đã pha đủ vị chua, cay, mặn, ngọt và thịt cá được bày ăn cùng rất nhiều loại ra sống đặc trưng ở đây. Đảm bảo món cá lóc nướng trui này có thể làm hài lòng bất cứ thực khách khó tính nào.

2. Lẩu cá linh bông điên điển


Khi mùa lũ về cũng là lúc xuất hiện loài cá linh đặc sản chỉ có ở miền Tây sông nước. Lúc này, những con cá chỉ nhỏ bằng đầu đũa, tươi rói, thịt mềm được làm sạch, moi bỏ hết ruột rồi để cho ráo nước. Nước dùng để làm lẩu cá linh khá đa dạng, tùy vào sở thích từng nhà, có thể là nước ninh xương hoặc nước ninh xương cá, rồi cho thêm chút nước dừa tươi để nước lẩu có vị ngọt thanh. Rau để ăn cùng với lẩu cá ngoài một số loại rau phổ biến ra thì không thể thiếu được  những bông điên điển vàng tươi mới được hái về mà nếu thiếu chúng thì món lẩu cá linh bông điên điển không còn đúng vị nữa.

3. Đuông dừa


Nếu bạn không ngại thử thách thì có thể tìm ăn món đuông dừa – một đặc sản của miền Tây. Đuông dừa ở đây là những con ấu trùng béo mập sinh sống trong các thân cây như dừa, cau. Để ăn món đuông dừa, bạn có thể yêu cầu đầu bếp chiên vàng lên, làm gỏi đuông dừa hay đơn giản nhất là ăn trực tiếp những con đuông đang được giầm trong bát nước mắm ớt. Đây là một món ăn khá bổ dưỡng chứa nhiều protein, vitamin A, B  có lợi cho sức khỏe.


4. Lẩu mắm


Là món lẩu đã được đưa vào thực đơn của khá nhiều nhà hàng dù bình dân hay sang trọng trên nhiều thành phố lớn của cả nước. Tuy nhiên,  bạn hãy thử ăn món lẩu mắm trứ danh này ngay tại chính quê hương của nó để cảm nhận được đầy đủ hương vị truyền thống của lẩu mắm. Nguyên liệu chủ yếu để làm món lẩu này thường là một con cá bông lao (hoặc cá hú), thịt ba chỉ, tôm, đậu bắp, mắm cá sặc. Lẩu mắm được ăn cùng rất nhiều loại rau đặc trưng của miền Tây như: rau muống, bắp chuối, rau nhút, ngói súng.

Đến miền Tây, các bạn đừng quên thử thưởng thức những món đặc sản trên để có thêm trải nghiệm và tự hào về nền ẩm thực phong phú của miền Tây nói riêng và của nước ta nói chung.

'Kinh dị' Đuông dừa, đặc sản khó xơi

Dù là một trong những món đặc sản Việt Nam nhưng với nhiều người,việc nhìn thấy những con đuông dừa béo nhung nhúc, còn ngọ nguậy trông không khác gì những con sâu non đã thấy nổi da gà.

Đuông dừa là ấu trùng dạng sâu của bọ kiến dương. Sau mùa giao phối, loài bọ này thường chọn cây dừa sung sức, khoét ngọn rồi đẻ trứng vào. Trứng nở ra ấu trùng và lớn dần nhờ ăn cổ hũ dừa đến khi xuyên thủng ngọn dừa, lúc đọt thối ngã ngang là lúc đuông dừa nhiều nhất. Dù đuông đục khoét là hỏng dừa nhưng đuông dừa ăn rất ngon và lại là đặc sản độc đáo có một không hai ở những xứ dừa đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy vậy, không phải ai cũng dám thử món đặc sản này vì đuông có hình dạng giống con sâu non, thân mềm nhũn, màu trắng sữa, di chuyển bằng cách trườn tới trườn lui, là người ít tiếp có thể "khóc thét" khi lần đầu nhìn thấy.

Đuông chấm nước mắm ăn sống là một trong những món ăn từ đuông được ưa chuộng nhất

Không chỉ có vậy, món ăn phổ biến nhất được chế biến từ đuông lại là...đuông chấm nước mắm ăn sống. Con đuông còn ngọ nguậy đặt trong bát nước mắm ớt cay, cứ thế gắp bỏ vào miệng sẽ cảm nhận được vị béo bùi mà nhiều người nói giống y như lòng đỏ trứng gà tan dần trong khoang miệng. Cảm giác ấy chỉ có thể đến khi trải qua được giai đoạn "tiếp xúc" khá căng thẳng với loài vật này lúc ban đầu.

Bên cạnh đó, đuông còn được chế biến thành nhiều món đa dạng, dễ "nhìn" hơn như đuông nướng, đuông chiên bơ, đuông hấp nước dừa, đuông nấu cháo...

Dễ ăn nhất có thể kể đến món đuông nướng. Đuông dừa được kẹp vào gắp tre, nướng liu riu trên than đến khi chín vàng rồi cuốn cùng các loại rau, chấm mắm me chua ngọt. Vị béo ngậy, thơm nức của đuông nướng quyện cùng vị chua chát mặn ngọt của nước chấm và rau tươi thật "đã" miệng làm sao.

Người Bình Định còn ngâm đuông vào nước mắm, sau đó mới đem lăn bột chiên ăn với rau xà lách, cà chua

Người Bình Định còn ngâm đuông vào nước mắm, sau đó mới đem lăn bột chiên ăn với rau xà lách, cà chua. Nhìn chung, các món chế biến từ đuông món nào cũng béo, thơm. Bởi vậy, người sành ẩm thực cho rằng đuông dừa là đặc sản quý của phương Nam.

Vì là món ăn ngon, được nhiều người ưa chuộng nên ngày nay, có không ít hộ dân tìm cách nuôi đuông dừa để bán kiếm lời. Nhưng dù là món đặc sản, đuông là loại sinh vật gây hại cho cây nên nhà nước đã ra lệnh cấm nhân, nuôi dương đuông dừa dưới mọi hình thức.
Theo Depplus.vn/MASK

Đuông hấp xôi – Đặc sản “đệ nhất Nam bộ”

Món ăn đặc sản quý hiếm ở Nam bộ mà ngày xưa được tiến về triều cho vua ngự lãm hàng năm gọi là con đuông. Có nhiều loại như: đuông dừa, đuông đủng đỉnh, đuông chà là và đuông măng.


Đuông mẹ có cánh, mỏ nhọn, hai cánh cứng như thép, có thể khoét thủng cả gỗ để vào đẻ trứng. Trứng đẻ thành ấu trùng, béo múp míp, trở thành thứ đặc sản “đệ nhất Nam bộ”.

Sau mùa giao hoan, đuông tìm một cây dừa đang sung sức, khoét ngọn vào đẻ trứng. Trứng nở thành ấu trùng. Mẹ con nhà đuông bắt đầu chiến dịch công phá, chén củ hũ dừa thỏa thuê. Mỗi cây dừa có hàng trăm con đuông rúc rỉa “tủy sống” của cây dừa. Đến khi cây dừa không còn sức sống đến chết thì người ta buộc phải đốn dừa bắt đuông. Bửa củ hũ ra, hàng trăm con ngọ nguậy, lăn tròn, đứng không nổi. Con nào đã mọc cánh thì không bắt. Ở cây đủng đỉnh cũng vậy. Ấu trùng đuông có thể sánh với “sơn dương trùng” mà Tây Thái hậu thường đem đãi sứ thần. Mỗi loại đuông có mỗi cách ăn riêng. Đuông dừa ngon nhất là nướng lửa than.


Đuông nướng phải ăn kèm với cải trời, bù ngót, cải đất, càng cua, tai tượng, tía tô, quế và ớt trái hiểm còn xanh. Còn đuông đủng đỉnh thường nấu cháo nước cốt dừa. Trước khi nấu cho đuông vào tô nước muối tương đối mặn ngâm khoảng nửa giờ để đuông nhả chất dơ ra. Tuyệt cú mèo nhất là con đuông chà là. Đuông về đến nhà còn nằm trong bắp cây, chẻ sao cho khéo để đuông không bị dập xì chất bổ dưỡng ra ngoài. Sau đó cho ngay đuông vào tô nước mắm ngon để nhả chất dơ ra và tự ướp mình! Ngày xưa dân quý tộc thường lấy đuông chà là lăn bột chiên, còn thời Pháp thuộc, “quý bà” trưởng giả học làm sang thường đem chiên bơ. Đuông ăn kiểu đó chỉ sang chứ không ngon. Độc đáo nhất là món đuông hấp xôi. Sáng mùng một Tết hấp nồi xôi ăn với gà ram mặn thì xưa chỉ có vua mới được nếm. Nồi xôi vừa cạn nước, người ta để đuông vô miếng lá chuối đặt trên mặt rồi đậy nắp lại. Xôi chín thì đuông cũng chín. Theo sử sách ghi lại, thời nhà Nguyễn có hai ông vua cực kỳ thích ăn xôi đuông là Gia Long và Minh Mạng. Lúc ở Bến Tre, cha con ông Hoàng được dân bắt đuông về hấp xôi dâng lên, khoái khẩu sau này bắt tiến kinh hàng năm. Vua Minh Mạng còn cho khắc trái bần và con đuông lên cửu đỉnh đặt ở thế miếu ngoài cung đình Huế, xem như sản vật quý lạ nước Nam.
Theo tin tuc du lich

Khám phá những đặc sản "kỳ dị" của nước ta

Đuông dừa tắm mắm, gỏi tôm sống, bọ xít rang, tiết canh… là những món mà ngay cả người Việt cũng ít dám thử.

Đuông dừa mắm nhĩ: đuông dừa thật ra là ấu trùng sống trong trong thân cây dừa nhìn hao hao sâu tằm. Đuông dừa phải còn sống rồi rửa qua bằng nước (hoặc có thể cho ăn mía trong 1 ngày để ngọt thơm hơn). Sau đó, đuông dừa được thả vào bát nước mắm cho đuông dừa uống no. Khi ăn, đuông dừa được bày ra đĩa đựng mắm có ớt để thực khách thưởng thức.

Đây là món đặc sản Nam Bộ thu hút du khách

Rượu tim rắn: Thịt rắn từ lâu đã được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, nhưng rượu tim rắn thì phải người bạo gan mới dám thử. Sau khi mổ, tim rắn vẫn còn đang đập được thả ngay vào ly rượu chứa một chút máu rắn bên trong. Theo kinh nghiệm dân gian, thức uống này giúp tăng cường sinh lực cho phái mạnh.

Bọ xít rang: món ăn này bắt nguồn từ Lạng Sơn. Không phải ai cũng dám thử qua món  bọ xít nổi tiếng hôi hám này. Tuy nhiên, khi chế biến lại có thể thành món béo ngậy và ngon tuyệt. Để tiết hết chất hôi bọ xít được ngâm nước muối loãng, tiếp đến là đem rang với lá chanh là có thể thưởng thức.

Bò cạp chiên:  đặc sản của An Giang có thể sẽ khiến nhiều du khách rợn người. Bò cạp sau khi được làm sạch sơ qua thì và chiên giòn trong dầu nóng. Tuy nhiên, màu vỏ đen bóng của bò cạp  không phải ai cũng dám ăn qua.

Thắng cố: được biết đến như món ăn truyền thống của người H’Mông. Món này được chế biến từ thịt và nội tạng ngựa xắt nhỏ, tẩm ướp gia vị và ninh trong chảo to. Tuy nhiên, hương vị món ăn khiến nhiều du khách thấy khó chịu và không phải ai cũng dám nếm thử.

Gỏi tôm sống sông Đà: Tôm sống được bắt từ lòng hồ thủy điện sông Đà nên thịt chắc ngọt, vẫn đang còn tươi rói. Tôm khi bắt lên trộn với nước măng chua, chút gia vị, hoa chuối và chút rau thơm để hấp dẫn hơn.

Tôm tươi ngọt làm nên vị đặc sắc cho món ăn

Nem thịt sống: đặc sản của làng Vị Thủy, Thái Bình chính là món nem chế biến từ thịt lợn sống vừa mổ xong. Sau đó băm nhuyễn, trộn với bì lợn luộc xắt sợi, thính và các loại gia vị khác cho vừa miệng. Loại nem đặc sắc này được ăn chung với lá sung, lá ổi và cả lá đinh lăng.

Thịt chuột đồng: đây là món ăn phổ biến khắp nước ta, loại chuột được chọn phải là loại chuột đồng. Thịt chuột đồng có màu trắng và rất thơm ngon, có thể chế biến thành nhiều món như xào, nướng… Món ăn này hấp dẫn khá nhiều thực khách.

Tiết canh: có thể được chế biến từ tiết các con vật như dê, vịt, lợn và trộn chung với nội tạng, thịt sụn… Món ăn này thêm lạc, rau thơm  để hấp dẫn hơn. Đây là món được dân nhậu ưa chuộng, nhưng chắc chắn sẽ khiến bạn e dè khi lần đầu thưởng thức.
Món đặc sản này tiềm ẩn nguy cơ gây các bệnh về giun sán

Địa Điểm Du Lịch tổng hợp